HỖ TRỢ

Tết Trung Thu – Nguồn gốc và ý nghĩa

25/08/2020

Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông Trăng”. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích. Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.

Xem nhanh

    Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Trung Quốc. Ở Trung Hoa, Tết trung thu có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) đầu thế kỷ thứ 8.
    Nguồn gốc tết Trung thu


    Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Trung Quốc. Ở Trung Hoa, Tết trung thu có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) đầu thế kỷ thứ 8.

     

    Theo truyền thuyết, sau khi dẹp xong An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng nhớ thương Dương Quý Phi không nguôi. Đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, vua Đường Minh Hoàng dạo chơi vườn Ngự Uyển. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn (còn được gọi là Diệp Pháp Thiện). Đạo sĩ hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung Quảng. Vào đến “Phủ thanh hư Quảng Hàn” vua được tiên nữ Hằng Nga đón tiếp nồng hậu. Hằng Nga sai tiên nữ mang bánh Tiên đến mời vua và lệnh cho các tiên nữ múa hát để nhà vua xem. Vua còn nhìn thấy Dương Quý Phi xưa trong đoàn vũ. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.


    Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho sáng tác ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng. Vua còn sai làm “Bánh Tiên”- bánh có hình tròn như mặt Trăng nên còn gọi là “Bánh Trăng” và khi trăng Rằm toả sáng nhà Vua cùng quần thần ngắm trăng ăn bánh. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.
    Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà… Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”.


    Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ. Tục này không đúng vì theo ngày tháng năm sinh của vua được quy đổi thì ta có thể chứng minh vua Đường Minh Hoàng sinh vào tháng 8 âm lịch nhưng không phải đúng ngày rằm tháng tám âm lịch.


    Có tài liệu cho rằng sau khi vua Huyền Tông lên cung Quãng, sau đó trở về dương thế, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.


    Nhưng ta thấy có một chi tiết không chính xác vì khi dẹp loạn An Lộc Sơn thì đồng nghĩa với chuyện Dương Quý Phi cũng bị giết, cho nên nhà vua không thể lúc này thưởng nguyệt cùng Dương Quý Phi. Vì vậy theo tài liệu chúng tôi đã dẫn thì do nhớ thương Dương Quý Phi nên ngài đã theo đạo sĩ lên cung trăng và thấy Quý Phi trên đó. Chi tiết giải thích này nghe có vẻ hợp lý hơn.


    Lại có giả thuyết đề cập đến việc sau khi dẹp loạn An Lộc Sơn, Dương Quý Phi bị giết và chôn ở ngoài cung, một phó tướng của An Lộc Sơn là Mai Văn Siêu vì quá si mê Dương Quý Phi nên đã đào mộ và hãm hiếp xác của bà, qua sự việc đó Mai Văn Siêu mắc một chứng bệnh phong tình gọi là Dương Mai sau này (chữ Dương của Dương Quý Phi với chữ Mai của Mai Văn Siêu), sau này người ta gọi thành bệnh giang mai.


    Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là “phá cỗ”. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.


    Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
    Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.


    Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang – trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.

    Ý nghĩa Tết Trung Thu


    Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông Trăng”. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích. Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.


    Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là “phá cỗ”. Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa.


    Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nha và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quý mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.


    Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng.


    Sắm lễ và văn cúng trong Tết Trung Thu


    Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Trung Thu ngoài những món truyền thống thì bao giờ cũng phải có: bánh nướng, bánh dẻo, cốm, chuối, na, hồng, bưởi,… và tất nhiên phải có hương, hoa, đèn, nến. Nhân dịp Tết Trung Thu mọi người đều gửi biếu ông, bà, cha, mẹ, người thân, người mà mình mang ơn bánh Trung Thu, cốm, chuối, hồng… để tỏ lòng biết ơn quý trọng.

     


    Văn cúng tổ tiên nhân ngày Tết Trung Thu


    Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
    – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
    – Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần.
    – Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
    – Con kính tay Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
    Tín chủ (chúng) con là:……………………..
    Ngụ tại:………………………..
    Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám gặp tiết Trung Thu tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
    Chúng con cung thỉnh ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
    Chúng con cung thỉnh các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
    Tín chủ con lại cung nghinh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
    Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
    Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).


    Nguồn http://gscaongoclan.com

     

    Có thể bạn quan tâm
    Lòng hiếu thảo được khơi nguồn từ đâu?

    Lòng hiếu thảo được khơi nguồn từ đâu?

    Nhiều người cho rằng duy trì một truyền thống và cách nuôi dạy con theo lỗi...
    Những ưu điểm của Nhang 20cm (nhang hai tấc)

    Những ưu điểm của Nhang 20cm (nhang hai tấc)

    Nhang 20cm (hay còn gọi là nhang hai tấc) đang trở thành lựa chọn phổ biến...
    Tại sao lại đặt bàn thờ ở chỗ tối, phòng khách chỗ sáng?

    Tại sao lại đặt bàn thờ ở chỗ tối, phòng khách chỗ sáng?

    Người Việt từ xưa đã có câu: ”Phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì...
    Nên cúng cô hồn vào ngày 14, 15 hay 16 tháng 7 âm lịch?

    Nên cúng cô hồn vào ngày 14, 15 hay 16 tháng 7 âm lịch?

    Dù cùng chung một mục đích là cầu siêu cho các linh hồn cô quạnh, thời...
    Bảng xếp hạng ngày nghỉ lễ: Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?

    Bảng xếp hạng ngày nghỉ lễ: Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?

    Ngày lễ 2-9 này, nhiều người được nghỉ liên tục 4 ngày và là một trong...
    Đám mây vũ tích ở Bình dương lại xuất hiện tại Nghệ An!

    Đám mây vũ tích ở Bình dương lại xuất hiện tại Nghệ An!

    Sapo: Ngày 31/8 vừa qua ở Bình Dương xuất hiện một đám mây lạ rất kỳ...