HỖ TRỢ

Lễ Vu Lan – Nét văn hóa người Việt

25/08/2020

Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng bảy Âm lịch, Giáo hội Phật giáo và các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan rất trang nghiêm và long trọng không kém lễ Phật Đản. Các Phật tử đến chùa cúng dường chư Tăng, dự lễ cầu siêu cho hương linh Cửu huyền thất tổ và thường được nghe các bài thuyết pháp nói về đạo Hiếu của con cái đối với cha mẹ cùng những phước lạc về sự cúng dường chư Tăng. Nhưng, ý nghĩa thực chất của lễ Vu Lan thì ít khi được nói đến, thành ra bị xem nhẹ, kém quan trọng. Người ta chỉ chú ý đến ngọn cành mà quên mất gốc rễ.

Xem nhanh

    Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng bảy Âm lịch, Giáo hội Phật giáo và các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan rất trang nghiêm và long trọng không kém lễ Phật Đản. Các Phật tử đến chùa cúng dường chư Tăng, dự lễ cầu siêu cho hương linh Cửu huyền thất tổ và thường được nghe các bài thuyết pháp nói về đạo Hiếu của con cái đối với cha mẹ cùng những phước lạc về sự cúng dường chư Tăng. Nhưng, ý nghĩa thực chất của lễ Vu Lan thì ít khi được nói đến, thành ra bị xem nhẹ, kém quan trọng. Người ta chỉ chú ý đến ngọn cành mà quên mất gốc rễ. Nhân ngày lễ Vu Lan báo hiếu, chúng tôi gửi tặng quý bạn đọc bài viết “Lễ Vu Lan – Nét văn hóa người Việt”. Bài viết được trích trong sách Văn hóa Phật giáo trong lòng người Việt (Sách tham khảo) của Đồng tác giả Cao Ngọc Lân – Cao Vũ Minh, Nxb. Lao Động, năm 2011, trang 173 – 185.
    Lễ Vu Lan

    Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng bảy Âm lịch, Giáo hội Phật giáo và các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan rất trang nghiêm và long trọng không kém lễ Phật Đản. Các Phật tử đến chùa cúng dường chư Tăng, dự lễ cầu siêu cho hương linh Cửu huyền thất tổ và thường được nghe các bài thuyết pháp nói về đạo Hiếu của con cái đối với cha mẹ cùng những phước lạc về sự cúng dường chư Tăng. Nhưng, ý nghĩa thực chất của lễ Vu Lan thì ít khi được nói đến, thành ra bị xem nhẹ, kém quan trọng. Người ta chỉ chú ý đến ngọn cành mà quên mất gốc rễ.

    Đa số các Phật tử đều biết sự tích ngài Mục Kiền Liên vào địa ngục dâng cơm cứu mẹ. Truyền thuyết kể lại rằng, bà Thanh Đề vốn là một người tôn sùng Phật giáo. Bà thường hay đi chùa, ăn chay niệm Phật, bà đã trồng lúa trong những vỏ dừa khô, dùng sương tưới cho cây lúa với mong muốn rằng sẽ dâng lên cúng dường Đức Phật những hạt lúa tinh khiết nhất. Bà đã dùng những ngón tay của mình để cạo từng hột lúa ra gạo trắng. Do cách trồng lúa công phu như vậy nên khi bà thu hoạch chỉ có được một chén nhỏ. Chính vì vậy, khi cúng vào chùa thì mấy vị tăng nhỏ khinh khi đồ cúng của bà làm cho bà giận. Bà rắp tâm trả thù bằng cách làm bánh bao nhân thịt chó để dâng lên cúng chư tăng. Vì ác nghiệp này nên sau khi bà chết đi bị đày xuống 18 tầng địa ngục và phải chịu những cực hình ở ngục A Tỳ – cửa ngục dành cho những tội nhân nghiệp chướng nặng nề nhất.
    Nhắc lại chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên – một vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Phật, sau khi đắc đạo, biết mẹ mình hằng ngày gây nhân không tốt, chắc chắn sẽ bị quả không tốt. Do đó, sau khi mẹ mất, Ngài dùng huệ nhãn thần thông tìm mẹ khắp sáu nẻo luân hồi, cuối cùng Ngài gặp mẹ ở dưới địa ngục, đang trong lớp ngạ quỷ đói khổ chịu cảnh dầu sôi, lửa bỏng. Quá thương mẹ, Tôn giả Mục Kiền Liên xin Phật giúp đi cứu mẹ. Đức Phật ban cho Ngài một cây tích trượng có thể mở bất kỳ cửa ngục nào khi tích trượng gõ vào. Do đó, Ngài đã xuống tận ngục A Tỳ để cứu mẹ. Ngài thấy mẹ mình đang làm thân ngạ quỷ (quỷ đói), chịu đói khát, khổ sở trong địa ngục. Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ tiều tụy, đói khát, nên Ngài dùng thần thông mang bát cơm trắng đến dâng mẹ. Bà Thanh Đề, vì đói lâu ngày nên khi thấy bát cơm, thì lòng tham nổi lên sợ các quỷ đói khác dành ăn nên bà lấy tay trái che bát cơm, tay phải bốc cơm ăn nhưng vì nghiệp chướng quá nặng nề, nên cơm chưa vào miệng đã biến thành than đỏ, khiến bà không ăn được. Bấy giờ, mặc dù là bậc thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật, Tôn giả Mục Kiền Liên vẫn không có cách nào làm cho cơm đừng biến thành than đỏ. Phật cũng không độ được kẻ ác tâm, bà Thanh Đề lại phải luân hồi làm kiếp chó để tự tu thêm. Chứng kiến cảnh đó, ngài Mục Kiền Liên rất đau xót, liền về thưa với Đức Phật để xin Đức Phật chỉ cho phương pháp cứu mẹ.

    Đức Thế Tôn từ bi chỉ bày cho phương pháp cứu độ. Đức Phật bảo Mục Kiền Liên: “Mẹ ông khi còn sống thì tham lam, ích kỷ, khinh khi Tam Bảo, đố kỵ các bậc chân tu và gây nhiều tội ác nặng nề; vì thế, phúc đức một mình ông không thể cứu độ được, mà phải thêm uy lực của chư Tăng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy Tôn giả Mục Kiền Liên thiết cúng Vu Lan Bồn để cứu mẹ Ngài. Vu Lan Bồnlà tiếng Phạn, dịch sang chữ Hán là giải thoát đảo huyền – nghĩa là giải cứu nạn bị treo ngược (những kẻ bị đọa xuống địa ngục làm thân ngạ quỷ thì cũng giống như bị treo ngược lên). Vậy nhân ngày Rằm tháng Bảy, ngày chư tăng tròn ba tháng an cư kiết hạ, thân tâm thanh tịnh, ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Phật mười phương hoan hỉ. Ông nên nhân ngày đó mà thiết lập chay đàn, nhờ công đức của các vị chân tăng đồng tâm nhất niệm mà nguyện cầu thì sẽ cảm hóa mẹ ông, cảm thông đến mười phương chư Phật; như thế mới mong giải thoát được tội khổ”.
    Đức Phật nói tiếp: “Mẹ ông tội căn nặng như tảng đá lớn mà công đức tu hành của ông như chiếc thuyền nhỏ, nên phải cần nhiều chiếc thuyền kết lại thành bè mới có thể đưa được tảng đá to nặng kia qua sông ngạ quỷ, thoát vòng trầm luân”.

    Đức Mục Kiền Liên tuân lời, đem bán hết tài sản của mẹ. Tập trung tài lực để lo việc trai tăng. Khi việc cúng dường trai tăng xong, bà Thanh Đề nhờ công đức đó mà chuyển cái tâm bất thiện tiền kiếp nên thoát khỏi cảnh ngạ quỷ và được vãng sinh lên cõi Trời. Cùng trong ngày ấy, tất cả loài quỷ đói đều được cứu rỗi, thoát khỏi kiếp khổ địa ngục và ngạ quỷ. Sau đó, Đức Phật dạy rằng: Đến ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm, các con hãy luôn luôn hiếu thảo tưởng nhớ đến cha mẹ trong đời này và cha mẹ trong bảy đời trước, vì họ mà bày lễ Vu Lan Bồn, cúng dường chư Phật và tăng chúng để báo đáp công ơn nuôi dưỡng và lòng thương yêu các đấng sinh thành. Lễ Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu kể từ đó.

    Từ câu chuyện trên có thể thấy rằng, ngài Mục Kiền Liên dù đắc thần thông đệ nhất trong các đệ tử Phật cũng không cứu nổi mẹ là bà Thanh Đề đang đọa địa ngục, mà phải nhờ oai lực của chư tăng hiệp lực, chú nguyện, chú tâm rồi mới cảm ứng đến tâm bà Thanh Đề. Điều quan trọng nhất là chính bà Thanh Đề phải thức tỉnh, thành tâm sám hối, niệm Phật mới được sinh về cõi Trời Hoa Quang. Tóm lại, câu chuyện nói lên rằng:
    1. Tự lực của Ngài Mục Kiền Liên không đủ mà phải nhờ đến chư Tăng chú nguyện.
    2. Tha lực của chư Tăng, mạnh mẽ cao siêu sau ba tháng kiết hạ an cư cùng tự lực của ngài Mục Kiền Liên mới cảm ứng, chuyển hóa tâm hồn bà Thanh Đề.
    3. Chính bà Thanh Đề phải thức tỉnh, chuyển tâm sám hối, niệm Phật mới thoát khỏi địa ngục. Tâm bà có thanh tịnh mới sinh về được cõi trời.

    Thực chất, Vu Lan chính là sự kết hợp của tự lực với tha lực, từ bi với trí tuệ, tu và học. Người tu hành cần phát tâm dũng mãnh, tự mình thắp đuốc mà đi, học hỏi giáo lý rồi đem ra thực hành, tự giác, giác ngộ lần lần mới đủ phước huệ, đó là tự lực. Nhưng tu hành một mình khó tiến bộ, có những chỗ khó hiểu không ai chỉ bảo, có khi thối chí, ngã lòng không ai khuyến khích. Vậy cần thầy hiền bạn tốt, đồng tu đồng học, đồng tâm hiệp lực thì mới cùng nhau tiến bước trên đường giác ngộ hòng giải thoát. Ngoài ra, còn có chư Phật, chư Bồ Tát, Thiên Long, Hộ Pháp độ trì cho kẻ tu hành chân chính tránh khỏi các trói buộc trong màn lưới vô minh của thất tình lục dục, đó là tha lực. Tuy nhiên, yếu tố thứ ba mới là quan trọng hơn cả, đó là sự thức tỉnh của nội tâm, sự nhận định rõ ràng về lẽ vô thường, đưa đến chỗ hết khổ, an vui; thức tỉnh rồi quay đầu lại đã thấy bờ giác, đó chính là điều Đức Phật ân cần dạy dỗ các đệ tử. Ba yếu tố: Tự lực, tha lực và sự thức tỉnh mới là thực chất của Lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan không chỉ là ngày dành riêng cho việc cầu siêu chư hương linh hoặc cúng dường chư Tăng Ni, là ngày Phật hoan hỷ, lễ Tự Tứ, ngày chư Tăng xuất hạ sau ba tháng an cư tu hành và chuẩn bị lên đường hoằng dương giáo pháp mà còn là ngày xá tội vong nhân.

    Xá tội vong nhân, cúng cô hồn

    Lễ Vu Lan của Phật giáo, còn gọi là cúng cô hồn hay xá tội vong nhân. Từ xa xưa, “tháng Bảy ngày Rằm” đã khắc sâu vào ký ức người Việt qua câu ca dao:
    Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
    Tháng bảy ngày Rằm xá tội vong nhân.
    (Ca dao)
    Lễ xá tội vong nhân hay còn gọi là cúng cô hồn là ngày bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa. Lễ cúng này không được Phật dạy trong Vu Lan Bồn, nhưng cũng bắt nguồn từ truyền thuyết nhà Phật. Một ngày nọ Phật cùng các đệ tử đi du hóa thì thấy một đống xương khô bên đường. Đức Phật khóc và sụp lạy đống xương ấy, Tôn giả A Nan lấy làm ngạc nhiên hỏi Đức Phật:
    – Thưa thầy, thầy là bậc Từ Phụ của ba cõi bốn loài, sao phải lạy đống xương khô vô danh?
    Đức Phật bảo Tôn giả A Nan:
    – Dưới mắt phàm phu thì đống xương vô thừa nhận kia không có một giá trị nào. Nhưng theo tuệ nhãn của Phật thì đống xương khô đó chính là của ông bà, cha mẹ, người thân hoặc chính xương của chúng ta trong vô lượng kiếp theo cái vòng quay của sinh tử luân hồi vô tận. Kinh Báo Phụ Mẫu Ân có chép lại tích này thành thơ:
    … Bây giờ Phật lại lên đường,
    Cùng hàng đại chúng Nam phương tiến hành.
    Đến giữa đường rành rành mắt thấy,
    Núi xương khô bỏ đấy lâu đời.
    Thế Tôn bèn vội đến nơi,
    Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng.
    Đức A Nan tủi lòng ái ngại.
    Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương?
    Vội vàng xin Phật dạy tường.
    Thầy là Từ Phụ ba phương, bốn loài.
    Ai ai cũng kính thầy dường ấy.
    Cớ sao thầy lại lạy xương khô?
    Phật rằng trong các môn đồ,
    Người là đệ tử đứng đầu dày công.
    Bởi chưa biết đục trong cho rõ.
    Nên vì người ta tỏ đuôi đầu.
    Đống xương dồn dập bấy lâu.
    Cho nên trong đó biết bao cốt hài.
    Chắc cũng có ông bà cha mẹ.
    Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sinh.
    Luân hồi, sinh tử, tử sinh,
    Lục thân đời trước, thi hài còn đây…
    Theo tích đó, lễ Vu Lan là ngày cầu cúng cho ông bà, cha mẹ và thân nhân xa gần. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cũng từng cầu nguyện trong ngày Vu Lan:
    Thị hà xá tội hữu hương thần.
    Ngã kim dục tượng Từ Bi lực,
    Cứu đắc vô cô đồ thán nhân…
    (Trung Nguyên Xá Tội – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
    Cớ sao còn có Vu Lan?
    Từ Bi ta muốn nhờ công sức,
    Cứu được bao người chịu khổ đau…
    (Đinh Gia Khánh dịch)
    Vào ngày xá tội vong nhân hay lễ cúng cô hồn, người ta thường sắm nhang đèn, hoa quả để cúng bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Tục lệ này có nguồn gốc từ việc các chùa thường lấy lá đa cuộn lại như cái chén, đem đặt ở những bãi tha ma nghĩa địa rồi nấu cháo đổ vào, để mời các vong hồn tới hưởng trong ngày Lễ Vu Lan.
    Nhắc lại việc cúng cháo ở bãi tha ma, chúng ta lại nhớ những câu thơ tuyệt tác trong bài thơ “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du:
    Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
    Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
    Ngẩn ngơ khi trở về già
    Ai chồng con tá biết là cậy ai?
    Sống đã chịu một đời phiền não
    Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
    Đau đớn thay phận đàn bà,
    Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
    Bài văn tế này hay đến mức một thời các nhà chùa thường dùng để tụng niệm vào ngày Rằm tháng Bảy, cúng cô hồn.
    Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
    Toát hơi may lạnh buốt xương khô;
    Não người thay buổi chiều thu,
    Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
    Đường bạch dương bóng chiều man mác,
    Ngọn đường lê lác đác sương sa,
    Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
    Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
    Trong trường dạ tối tăm trời đất,
    Có khôn thiêng phảng phất u minh,
    Thương thay thập loại chúng sinh,
    Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
    Hương khói đã không nơi nương tựa,
    Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
    Còn chi ai khá ai hèn
    Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu?
    Đại thi hào Nguyễn Du gọi thập loại (mười loại) là để chỉ những hạng người đã chết thật đáng thương:
    1. Kẻ tranh bá đồ vương bị thua trận mà chết.
    2. Phu nhân quyền quý của các công hầu khanh tướng gặp phen sa cơ phải tự tử.
    3. Người làm chính trị lỡ vận bị giết.
    4. Những danh tướng công thành vạn cốt khô cuối cùng bị giết.
    5. Những hạng tham lam làm giàu, buôn bán dọc sông ngang biển chẳng quản đường xa, đắm thuyền bị cá dữ ăn thịt.
    6. Những cái chết của chiến sĩ vô danh.
    7. Gái lầu xanh, lúc sống thì tủi nhục, khi chết thì không chồng con cúng giỗ phải hớp cháo thí.
    8. Kẻ ăn mày chết ở gầm cầu dơ bẩn.
    9. Người mắc vòng lao lý, chết đi không có manh chiếu lành.
    10. Trẻ sơ sinh yểu tử.
    Chính vì hiểu được giáo lý nhà Phật mà Nguyễn Du ngậm ngùi cho thập loại, vì thập loại đó là những vong hồn bơ vơ của người chết (hay còn gọi là cô hồn), họ chính là những thân nhân của cụ trong những tiền kiếp xa xưa.
    Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
    Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
    Mỗi người một nghiệp khác nhau
    Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
    Cụ dạy rằng, phải lập trai đàn mà cầu xin chư Phật phóng quang cứu độ cho, thì thân nhân ở cõi âm mới mau sạch nghiệp chướng:
    Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
    Nước tịnh bình rưới hạt dương chi,
    Muôn nhờ đức Phật từ bi,
    Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương
    Hàng năm, cứ Rằm tháng Bảy, nhiều người Việt Nam đi chùa cầu nguyện cho thân nhân, ông bà, cha mẹ, bạn bè và đặc biệt là cầu cho Mẹ được sống đời với ta.

    Nghĩ về Mẹ

    Ở nhiều nước văn minh trên thế giới, người ta thỏa thuận lấy một ngày trong tháng Năm đặt là Ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day). Đó là ngày Chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng năm. Vào ngày đó, các con dù ở xa cũng gắng hội tụ về quanh mẹ dâng hoa tặng quà, đọc lời chúc tụng và vui vầy tiệc tùng. Trên ngực áo mỗi người con rực rỡ một đóa cẩm chướng màu đỏ. Những người con nào mà mẹ đã qua đời thì lạnh lẽo nơi ngực áo một đóa cẩm chướng màu trắng.
    Ở nước ta, từ thập niên 50, nhiều địa phương cũng nhân ngày Lễ Vu Lan đã tổ chức nghi thức bông hồng cài áo: ai còn mẹ thì được gắn một hoa hồng đỏ, ai không còn mẹ thì cài một đóa hồng trắng trên ngực áo. Một cách để nhớ mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế, để xót xa nghĩ đến mẹ đã qua đời. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác bài hát Bông hồng cài áo cũng để nhắc đến sự việc này.
    Nhân ngày Lễ Vu Lan năm nay, xin chúc các Mẹ có được một niềm vui, niềm hạnh phúc dâng trào. Chúng con hứa sẽ luôn sống tốt, sống cao đẹp để mãi xứng đáng là những đứa con của Mẹ, để sau này nếu Mẹ hiền có mất đi thì chúng con vẫn có thể tự hào nói rằng: chúng con đã sống tốt, sống có trách nhiệm với quê hương, với đất nước, với đồng bào, dân tộc.
    Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng
    Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười.
    Tấm lòng đại hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên sẽ mãi là ánh sáng soi đường cho chúng con. Trong Kinh có nói: “Tâm có thể tạo nghiệp, mà Tâm cũng có thể chuyển nghiệp”. Sự tích Vu Lan báo hiếu khởi đầu bằng hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ trở thành hình ảnh mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc.NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT

    Nguồn http://gscaongoclan.com

     

    Có thể bạn quan tâm
    5 đại kỵ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

    5 đại kỵ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

    Bày mâm ngũ quả ngày Tết nhớ tránh 5 đại kỵ sau để không gặp xui xẻo trong năm mới,...
    MƯỢN PHẬT MỘT LÀN HƯƠNG, TĨNH TÂM TRỪ PHIỀN NÃO

    MƯỢN PHẬT MỘT LÀN HƯƠNG, TĨNH TÂM TRỪ PHIỀN NÃO

    Mùi hương thơm nồng đã lay động linh tính của tâm trí, để điều hòa hơi thở, thông...
    Lễ Vu Lan báo hiếu – ngày lễ mang tính nhân văn

    Lễ Vu Lan báo hiếu – ngày lễ mang tính nhân văn

    Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình...
    Đại lễ Phật đản 2020 có nhiều điểm mới

    Đại lễ Phật đản 2020 có nhiều điểm mới

    Đại lễ Phật đản PL.2564 diễn ra lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Giáo hội...
    Nguyên tắc cơ bản để phân biệt loại hương tốt

    Nguyên tắc cơ bản để phân biệt loại hương tốt

    Ý nghĩa của hương trong Phật giáo Trung Quốc, có thể đề cập đến từ hai cấp độ là tu...
    Nghi thức tắm Phật

    Nghi thức tắm Phật

    Nguồn gốc của lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni.