HỖ TRỢ

Tập tục cúng Cô Hồn Tháng 7

25/08/2020

Cô hồn là những linh hồn người chết không có người thờ cúng, những linh hồn lang thang không nơi nương tựa. Đây thường là những linh hồn của những người chết chưa tới số, những linh hồn này không có ai quản lý, họ chưa thể đi đầu thai.

Xem nhanh

    Cô hồn là những linh hồn người chết không có người thờ cúng, những linh hồn lang thang không nơi nương tựa. Đây thường là những linh hồn của những người chết chưa tới số, những linh hồn này không có ai quản lý, họ chưa thể đi đầu thai.


    Tập quán cúng cô hồn có từ bao giờ?


    Việc siêu độ cô hồn có thể phát xuất từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn siêu độ cho tứ sanh đang trầm luân trong sáu nẻo luân hồi (lục đạo).
    Qua đời Tống, ngài Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên Ngài vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ.
    Việc cúng Mông Sơn thí thực tại chùa hay bạt độ chẩn tế cô hồn có thể khởi đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, Tứ Xuyên nên trong khoa nghi mệnh danh là “Mông Sơn thí thực”. Hiện nay ở các tự viện thường có bàn thờ ngài Long Thần Hộ Pháp, ngụ ý là vọng bái các vị thiện thần, hàng phục tà ma, ngạ qủy, hộ trì chánh pháp lợi lạc sinh linh, đối diện với án thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, thống lĩnh chư âm linh cô hồn văn kinh thính pháp thọ cam lồ. Mỗi buổi chiều thuờg là giờ ăn của ma quân ngạ quỷ, hay là sau những tiết lễ long trọng có phần Mông Sơn thí thực trước khi hoàn mãn, nhất là trong tiết Thu lá rụng mưa ngâu, mùa rét lạnh đến, người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý.


    Theo nghi lễ Á Đông, khi chiến cuộc kết thúc, kẻ được ca khúc khải hoàn thường tế lễ các bậc anh hùng đã xả thân vì quốc gia dân tộc, truy điệu các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn, chẳng hạn như Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) đã hạ chiếu làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ có công và tiến cúng cô hồn, kể cả mấy chục vạn quân Thanh đã thành ra oan hồn uổng tử.
    Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết tràng siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn vì chiến cuộc. Nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, bậc lão thành trung dũng còn lưu lại mấy bài văn tế nổi tiếng như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Vương” và “Văn tế vong hồn mộ nghĩa”.


    Bộ Lễ của triều Nguyễn cũng có phần tế cô hồn vào tiết tháng 7 mà những áng văn của các danh nhân biên soạn như Phan Huy Ích nguyên là sứ thần của Tây Sơn sang thăm xã giao, đã xướng họa thi văn với vua Càn Long, được Thanh triều trọng vọng. Lúc về nước ông được gia phong Thượng Đại Phu Thị Trung Ngự Sử.
    Những người như thế nào được gọi là cô hồn?


    Cô hồn là những linh hồn người chết không có người thờ cúng, những linh hồn lang thang không nơi nương tựa. Đây thường là những linh hồn của những người chết chưa tới số, những linh hồn này không có ai quản lý, họ chưa thể đi đầu thai. Chính vì vậy họ là những linh hồn tự do, giống như những kẻ bụi đời ở dương thế.


    Đại thi hào Nguyễn Du gọi thập loại (mười loại) là để chỉ những hạng người đã chết thật đáng thương. Đó là những người sau:
    1. Kẻ tranh bá đồ vương bị thua trận mà chết.
    2. Phu nhân quyền quý của các công hầu khanh tướng gặp phen sa cơ phải tự tử.
    3. Người làm chính trị lỡ vận bị giết.
    4. Những danh tướng công thành vạn cốt khô cuối cùng bị giết.
    5. Những hạng tham lam làm giàu, buôn bán dọc sông ngang biển chẳng quản đường xa, đắm thuyền bị cá dữ ăn thịt.
    6. Những cái chết của chiến sĩ vô danh.
    7. Gái lầu xanh, lúc sống thì tủi nhục, khi chết thì không có chồng con cúng giỗ phải hớp cháo thí.
    8. Kẻ ăn mày chết ở gầm cầu dơ bẩn.
    9. Người mắc vòng lao lý, chết đi không có manh chiếu lành.
    10. Trẻ sơ sinh yểu tử.
    Đó là những loại người:
    Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
    Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
    Mỗi người một nghiệp khác nhau
    Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?


    Cụ Nguyễn Du, tác giả tập Đoạn Trường Tân Thanh còn lưu lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh bằng chữ Nôm, được tìm thấy ở Chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, cụ Lê Thước cũng tìm được một bản nôm khác của cụ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Du) ở Chùa Diệc miền bắc Nghệ An, cụ phiên âm sang quốc ngữ và ấn hành vào năm 1924.


    Năm 1926 Trần Trung Viên cho in vào tập I, trong Văn Đàn Bảo Giám và năm 1927 lại xuất hiện trên Nam Phong Tạp Chí số 178, Tạp chí Văn Học số 2 năm 1977 cũng đăng lại bản hiệu đính của cụ Hoàng Xuân Hãn với 18 câu sau đây:


    Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
    Gió heo may lạnh buốt xương khô
    Não người thay buổi chiều thu
    Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
    Đường bạch dương, bóng chiều mang mác,
    Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
    Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
    Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!
    Trong trường dạ tối tăm trời đất,
    Có khôn thiêng phảng phất u minh,
    Thương thay thập loại chúng sinh,
    Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người,
    Hương khói đã không nơi nương tựa,
    Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
    Còn chi ai khá, ai hèn,
    Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu
    Chính vì hiểu được giáo lý nhà Phật mà Nguyễn Du ngậm ngùi cho thập loại, vì thập loại đó là những vong hồn bơ vơ của người chết (hay còn gọi là cô hồn).


    Tại sao lại cúng cô hồn?


    Việc thiết cúng Mông Sơn thí thực hay chẩn tế cô hồn nhằm mục đích bày tỏ chân tình với đồng loại. Những người đã khuất bóng, thì ngũ uẩn dường như mất hết. Thân uẩn tức là sắc tướng không còn, thì có đâu lớn bé rộng hẹp mà ta lo may áo quần, sắm xe cộ gởi về cho hương linh? Suy ra, 3 uẩn tiếp theo tức là thô, tưởng, hành uẩn cũng không có, chỉ còn thức uẩn (linh hồn) mịt mờ mênh mang, khiến cho linh hồn hay thần thức cảm nhận sự vui buồn, no đói hay thanh thoát, tủi hờn… là do nghiệp lực đã tạo ra từ lúc sinh tiền vậy thôi, chứ không thực hữu. Do đó, ai cũng nghĩ rằng có cô hồn vất vưởng nên cần các thức ăn, đồ mặc, tiền bạc để chi tiêu… tạo ra tập tục đốt vàng mã, áo giấy tốn kém khá nhiều. Lúc Phật giáo chấn hưng, chùa chiền không cần đồ giấy cúng vong linh nữa, nên nhiều nơi đã không dùng tiền mua vàng mã cúng đốt vu vơ, mà dùng tiền đó mua ít vải vóc, gạo bánh hay vật dụng phân cấp cho các bạn nghèo với dụng ý là cầu “âm dương đều lợi lạc”.


    Nguyện đem công đức này
    Hướng về khắp tất cả
    Đệ tử và chúng sanh
    Đồng trọn thành Phật đạo.


    Ai là người cúng cô hồn?


    Vào ngày xá tội vong nhân hay lễ cúng cô hồn, người ta thường sắm nhang đèn, hoa quả để cúng bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Tục lệ này có nguồn gốc từ việc các chùa thường lấy lá đa cuộn lại như cái chén, đem đặt ở những bãi tha ma nghĩa địa rồi nấu cháo đổ vào, để mời các vong hồn tới hưởng trong ngày Lễ Vu Lan. Thời gian cúng cô hồn dó là trong tháng 7 Âm lịch.


    Tiết đầu Thu lập đàn giải thoát,
    Nước Tịnh Bình rưới hạt Dương Chi,
    Muôn nhờ đức Phật từ bi,
    Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương.


    Trước đây từ phố thị đến thôn trang, đâu đâu cũng thấy có “đàn âm linh” hay “am chúng sinh”, nơi tương đối hoang vu tịch mịch hoặc tại các vùng mộ địa tha ma, với tập tục hằng năm nhân dân địa phương chọn ngày thuận tiện để cùng nhau sửa chạp những mồ vô chủ và tiến cúng âm hồn. Sau phần cúng vái thì bánh quà, phẩm vật… dành cho người nghèo khó neo đơn, hay các trẻ em được tự do chung hưởng (giật cô hồn).


    Nhiều nơi, nhiều vùng được quân dân dấy nghĩa chống xâm lăng, nhưng việc không thành, có người vẫn tiếc thay nhiều chiến sĩ trận vong. Do sự kính ngưỡng tôn vinh người hy sinh vì đại nghĩa, nên nhân dân khói hương tưởng nhớ, sau cúng vái quân binh các ngài, thành ra mỹ tục từng địa phương. Tại vùng Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, rộng ra là 6 tỉnh Nam Kỳ có tục lệ truy niệm vị anh hùng Trương Công Định và các nghĩa quân của ông vào mùa ông đền nợ nước năm 1864. Trong thơ ai điếu Trương Tướng Quân, cụ Đồ Chiểu viết:


    Trăm nấm mộ binh, vầy lớn nhỏ.
    Một gò cô lũy, chống hôm mai!
    rồi cụ kết luận:
    Hay dở phải chăng trời đất biết?
    Một tay chống đỡ mấy năm dài?


    Cùng một ý nghĩa trên, tại vùng Kiên Giang, Rạch Giá có tập tục truy niệm anh hùng Nguyễn Trung Trực và quân binh tử sĩ, đồng bào nạn vong gần thập niên 1861 – 1868 trong phong trào anh dũng chống Pháp của nhà chiến sĩ ái quốc Kiên Giang, đã hy sinh tại Rạch Giá. Mỹ tục này đã lan ra hải ngoại, nơi có đông người Kiên Giang – Rạch Giá…


    Đặc biệt, trong thơ điếu Nguyễn Trung Trực, nhà trí sĩ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt có viết:
    Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
    Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần
    Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
    Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
    Dịch thơ:
    Lửa hồng Nhật Tảo vang trời đất
    Kiếm bạc Kiên Giang khiếp quỷ thần
    Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa
    Ðôi đường trọn chữ báo quân thân


    Ở Thừa Thiên Huế sau khi vua Tự Đức băng hà, trong triều có phe “chủ hòa” với nhiều quan lại và nhóm hoàng thân quốc thích muốn cầu an thụ hưởng, ngược lại nhóm “chủ chiến” do quam Phụ chính đại thần kiêm Binh Bộ Thượng Thư Tôn Thất Thuyết cầm đầu, ông lo huấn luyện quân binh, thành lập đội quân “Đoàn Kết” và “Phấn Nghĩa” trong hoàng thành, lập Tân Sở ở Quảng Trị làm hậu cứ chống Pháp. Đội quan này cũng hy sinh nhiều trong cuộc chiến với Pháp.


    Từ đó về sau, nhân dân Thừa Thiên Huế có tập tục cúng cô hồn tử sĩ, kỷ niệm ngày “Kinh thành thất trận Ất Dậu niên gian”.
    Sắm lễ cúng cô hồn
    Lễ cúng gồm các lễ vật: Bánh đa, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh.
    – Tiền vàng từ 15 bộ trở lên.
    – Quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
    – Hoa quả 5 loại 5 màu (ngũ sắc): táo, lê, xoài, thanh long, nho…
    – Khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
    – Kẹo bánh.
    – Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa).


    Khi rải tiền vàng ra mâm, để hướng 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây, cắm chân vào củ khoai sắn ở giữa. Nhớ mua thêm đồ phóng sinh: chim, cua, ốc, cá…


    Luận bàn về việc tế tự người đã khuất, tưởng không nên nặng về sự việc tức là chuộng hình thức, rồi sinh ra tập tục cúng bái dị đoan mà chỉ xét về ý nghĩa, lấy tinh thần làm căn bản là hơn. Nói rộng ra, chẳng những người Phật tử thường tỏ lòng hiếu kính với nội ngoại tôn thân, nếu có thể được họ còn thể hiện hạnh từ ái, vị tha, giúp đỡ được chút gì cho các đồng hương, đồng loại là thiết thực.


    Qua truyền thống Vu Lan, người Á Đông còn ghi ân các chiến sĩ trận vong, truy niệm đồng bào tử nạn, tiến cúng thập loại cô hồn như đã nói trên, tốt nhất là phần nguyện cầu để chuyển nghiệp cho nhau. Do đó, ta thấy phẩm vật tiến cúng âm linh rất đạm bạc, giản đơn, nói chung là không cần mỹ vị cao lương mà chỉ dùng hương hoa trà quả, xôi chè bánh mứt, ít cháo hoa, chén cơm trắng, tượng trưng về trai phạn nhà chùa là tốt.


    *Bài viết có tính chất tham khảo cho những người quan tâm.

     

    Có thể bạn quan tâm
    Nên cúng cô hồn vào ngày 14, 15 hay 16 tháng 7 âm lịch?

    Nên cúng cô hồn vào ngày 14, 15 hay 16 tháng 7 âm lịch?

    Dù cùng chung một mục đích là cầu siêu cho các linh hồn cô quạnh, thời...
    Đám mây vũ tích ở Bình dương lại xuất hiện tại Nghệ An!

    Đám mây vũ tích ở Bình dương lại xuất hiện tại Nghệ An!

    Sapo: Ngày 31/8 vừa qua ở Bình Dương xuất hiện một đám mây lạ rất kỳ...
    Tại sao lại đặt bàn thờ ở chỗ tối, phòng khách chỗ sáng?

    Tại sao lại đặt bàn thờ ở chỗ tối, phòng khách chỗ sáng?

    Người Việt từ xưa đã có câu: ”Phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì...
    Lòng hiếu thảo được khơi nguồn từ đâu?

    Lòng hiếu thảo được khơi nguồn từ đâu?

    Nhiều người cho rằng duy trì một truyền thống và cách nuôi dạy con theo lỗi...
    Bảng xếp hạng ngày nghỉ lễ: Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?

    Bảng xếp hạng ngày nghỉ lễ: Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?

    Ngày lễ 2-9 này, nhiều người được nghỉ liên tục 4 ngày và là một trong...
    Những ưu điểm của Nhang 20cm (nhang hai tấc)

    Những ưu điểm của Nhang 20cm (nhang hai tấc)

    Nhang 20cm (hay còn gọi là nhang hai tấc) đang trở thành lựa chọn phổ biến...