Mỗi dịp tết đến xuân sang gia đình sum họp. Theo phong tục từ xưa, sẽ có một số thủ tục không thể thiếu đó là cúng kiếng, tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ ngày 23 tháng Chạp. Với mong muốn một năm mới thứ đều tốt đẹp, công việc kinh doanh buôn bán thuận lợi, đón nhiều tài lộc. Vì vậy, cùng NhangXanh.com tìm hiểu những điều cần biết khi dọn bàn thờ ngày 23 tháng Chạp.
Xem nhanh
23 tháng Chạp hàng năm vốn được dân gian lưu truyền là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo lên bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình suốt cả năm vừa qua. Vì vậy, đây cũng là dịp người dân tiến hành dọn dẹp ban thờ trong nhà để đón năm mới.
Nhiều người có quan niệm rằng dọn bàn thờ sau ngày 23 tháng chạp, tức là khi ông Công ông Táo đã về chầu trời thì mới được dọn dẹp bàn thờ, nếu không sẽ gây kinh động đến thần linh. Theo các chuyên gia văn hóa thì hiện nay không có một tài liệu nào ghi chép về điều này. Trong năm, người dân có thể chọn một ngày lành bất kỳ để dọn dẹp bàn thờ. Thời gian được nhiều người chọn nhất là vào dịp cuối năm, kết hợp dọn ban thờ vào dịp cúng ông Công ông Táo.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam, theo dân gian, việc dọn bàn thờ thường tiến hành vào sáng 23 tháng Chạp hằng năm. Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương, đọc văn khấn để xin phép. Tất cả chân hương cả một năm nên được rút bớt, sau đó hóa cùng với tiền vàng.
Trước khi tiến hành dọn dẹp bàn thờ, người xưa thường chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên và đi tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, thắp 01 nén hương thông báo cho thần linh, tổ tiên biết ngày hôm nay sẽ sái tịnh bàn thờ. Đồng thời khấn mời thần linh, tổ tiên tạm lánh sáng một bên để con cháu tiến hành lau dọn. Công việc này không kiêng kỵ bất kỳ ai, chỉ cần là người cẩn thận, tỉ mỉ, không để xảy ra đổ vỡ đồ thờ, ảnh gia tiên,…
Lưu ý: Phải đợi sau khi hương tàn hết mới được bắt đầu công việc dọn dẹp.
Khi bắt tay vào việc, cần phải chuẩn bị một chiếc bàn hoặc mâm trên có phủ giấy trắng hoặc giấy đỏ để đặt các đồ thờ, bát hương, bài vị. Nếu gia đình ngoài gia tiên còn thờ các thần linh khác thì phải chuẩn bị hai chỗ đặt khác nhau, không được để lẫn. Trong vấn đề này, cũng có một số ý kiến từng cho rằng bài vị và bát hương gia tiên không được xê dịch vì sợ “động” sẽ ảnh hưởng đến con cháu. Do vậy chỉ nên lấy tay giữ và dùng khăn sạch nhúng vào rượu pha với gừng giã nhỏ cộng nước hoa lau cho sạch.
Tuy vậy hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia văn hóa cho rằng không nên quá câu nệ điều này. Việc hạ đồ thờ xuống sẽ giúp chúng ta lau được sạch sẽ hơn, cẩn thận hơn. Miễn sao khi hạ xuống đừng đặt các thứ đồ thờ vào những nơi ẩm thấp ô uế làm mất đi tính trang nghiêm là được. Nước để lau dọn bàn thờ gia tiên phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Nếu muốn có hương thơm thì đun lâu hơn bình thường để cho nước đặc hoặc cho thêm hương liệu. Ngoài ra có thể dùng rượu hòa với gừng hoặc tỏi giã nhỏ để tẩy uế.
Các chuyên gia tâm linh khuyên rằng, nên lau dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp, không được xê dịch bát hương, bức tượng, đồ cúng,… Trường hợp bất khả kháng phải xê dịch thì sau khi lau dọn phải hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu và tiến hành sám hối.
Nếu có bài vị của thần Phật thì cần ưu tiên lau trước và dùng nước mới để lau dọn bài vị tổ tiên. Nghiêm cấm không được làm ngược lại.
Sau khi lau bài vị là đến phần dọn bát hương. Ngày nay, hầu hết mọi người đều đổ hết tro ra ngoài sau khi rút chân hương, tuy nhiên, người xưa cho rằng làm vậy rất dễ gây hao tài. Do đó, bạn có thể xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới tiến hành vệ sinh bát hương đặt sang một bên.
Nếu là bát hương của tổ tiên thì dùng 07 tờ tiền vàng, bát hương thờ thần Phật thì sau khi khô ráo dùng 03 tờ tiền vàng đốt hơ xung quanh. Tiền vàng cháy được ½ thì bỏ vào trong bát hương, đợi cháy hết thì đổ hết tro vào một lần.
Sau khi vệ sinh sạch sẽ, đem bài vị thần Phật và gia tiên đặt lại chỗ cũ. Tuy nhiên, phải chuẩn bị một chiếc lò đặt dưới bàn thờ, trong có đốt than hoa và đợi khoảng 15 phút. Sau đó đốt 07 tờ tiền vàng làm dấu, hơ ở 04 hướng trái, phải, trên, dưới để khai quang, tiền vàng cháy được ⅔ thì bỏ vào lò than hoa.
Tiếp đó, đốt thêm 07 tờ tiền vàng để làm sạch vị trí muốn đặt bài vị thần linh và bát hương, sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Sau khi lau dọn xong, thắp 03 nén hương và mời thần linh, tổ tiên về quy tụ.
Tất cả những việc trên phải được làm một cách thành kính và cẩn trọng, bởi nó thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Việt ta. Bàn thờ được dọn dẹp sạch sẽ chẳng những để nhà cửa sạch đẹp, mà quan trọng hơn là mời thần linh cùng ông bà tổ tiên về ăn Tết, chứng giám cho tấm lòng thành của con cháu và phù hộ cho mọi người trong gia đình một năm mới an khang hạnh phúc. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn đọc nắm được cách dọn bàn thờ ngày 23 tháng Chạp.
Nguồn Tổng hợp
Nguồn ảnh Internet